ĐIỂM DANH LOẠT HẠ TẦNG TRỌNG ĐIỂM TẠI BÀ RỊA – VŨNG TÀU

91 lượt xem

Ai cũng biết, một dự án bất động sản có được đón nhận hay không thì đến 60% là dựa vào vị trí và hạ tầng xung quanh nó. Bà Rịa – Vũng Tàu từ lâu đã tạo sự chú ý cho giới đầu tư khi sở hữu quỹ đất rộng lớn cùng mức giá rẻ, lại còn là nơi thuộc top đầu cả nước về phát triển kinh tế. Nửa cuối năm 2020, với sự quy tụ của hàng loạt dự án hạ tầng mang tầm vóc trọng điểm quốc gia còn làm cho Bà Rịa – Vũng Tàu càng hấp dẫn hơn, trở thành một “miếng bánh thơm” đang chờ đợi giới đầu tư thưởng thức.

CẦU PHƯỚC AN

Dự án cầu Phước An với tổng mức vốn đầu tư gần 4.900 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 3.750 tỉ đồng đã được HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt vào tháng 8 vừa qua. Cầu Phước An dài hơn 3.500m, đường dẫn lên cầu dài 248m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài hơn 600m. Tĩnh không thông thuyền của cầu cho tàu có trọng 30.000 tấn đi qua. Cầu Phước An là điểm cuối của đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, bắc qua sông Thị Vải để sang địa phận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ đó nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành và liên kết với các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trình bày về dự án cầu Phước An với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Theo đó, cầu Phước An sẽ được khởi công vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025. Đây được xem là một dự án hạ tầng trọng điểm vùng khi được đích thân Chính Phủ theo sát và đốc thúc tiến độ. Cầu Phước An sau khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tạo ra một hệ thống giao thông đồng bộ, giúp vận chuyển hàng hóa trong khu vực thuận lợi, nhanh chóng, ít tốn kém hơn rất nhiều.

CAO TỐC BIÊN HÒA – VŨNG TÀU

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Cao tốc gồm hai dự án thành phần, với tổng chiều dài 62,8 km. Trong đó, dự án thành phần một có tổng mức đầu tư là hơn 12.300 tỷ đồng. Khi hoàn thành sẽ là đường kết nối nhanh nhất từ Đồng Nai đến Bà Rịa – Vũng Tàu và các vùng Đông Nam Bộ.

Được biết, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ khởi công vào năm 2021, hoàn thành sau 2 năm, khai thông nút thắt giao thông kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu khi hoàn thiện sẽ mang đến nhiều giá trị, làm bệ phóng cho sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt là khi kết hợp cùng sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

CAO TỐC BẾN LỨC – LONG THÀNH

Về phía Tây, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng đã bước vào giai đoạn cuối của quá trình xây dựng. Khởi công tháng 7 năm 2015, toàn bộ tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với 4 làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2021, cao tốc sẽ giúp kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà không cần phải đi qua TP.HCM. Đồng thời, dự án cũng góp phần làm giảm tải áp lực giao thông trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51 và đón luồng khách nội địa từ khu vực Tây Nam Bộ.

SÂN BAY GÒ GĂNG

Phương án di dời sân bay ở trung tâm TP.Vũng Tàu ra đảo Gò Găng, xã Long Sơn nằm trong kế hoạch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và mới đây, UBND tỉnh đã xác định vị trí khu đất 248,5ha để đầu tư dự án sân bay Gò Găng. Gò Găng là hòn đảo nhỏ thuộc xã đảo Long Sơn, cách TP.HCM 90km và cách Vũng Tàu chỉ 3km. Những năm gần đây, đảo Gò Găng còn được biết đến là địa điểm du lịch thú vị với nguồn thuỷ hải sản phong phú và bãi tắm đẹp. Khi được hoàn thành thì sân bay gò găng sẽ đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO với chiều dài đường băng khoảng 2.400m. Công suất cảng dự kiến là 100.000 hành khách/ 1 năm và 500 tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng sân bay Gò Găng dự kiến hơn 1 tỷ USD.

SÂN BAY LỘC AN

Trước đó, dự án sân bay chuyên dùng Lộc An (sân bay Hồ Tràm) đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận và trình lên cấp trên xem xét đưa ra phương hướng quy hoạch phát triển sân bay này, nhằm mục đích đưa đón khách du lịch từ các sân bay nội địa đến dự hội thảo, tham quan nghỉ dưỡng và sử dụng các dịch vụ tại Hồ Tràm Strip.

Sân bay Hồ Tràm được thiết kế với đường băng dài 2400m, bề rộng là 45m cấp 4C. Không chỉ được quy hoạch đồng bộ mà hệ thống cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị tại sân bay đều được đầu tư vô cùng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là đường lăn, đài kiểm soát, nhà ga, phòng chờ,.. tạo nên bước di chuyển đột phá và nhanh chóng.

SÂN BAY CÔN SƠN (CỎ ỐNG)

Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam trong vòng 3 tháng tới phải hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết về việc mở rộng nâng cấp sân bay Cỏ Ống (huyện Côn Đảo). Dự kiến khi hoàn thành, sân bay này sẽ có công suất vận chuyển từ 4 đến 5 triệu hành khách/năm, tăng 10 lần so với hiện tại cùng với các hạng mục chức năng đồng bộ kèm theo.

Như vậy, tính đến năm 2020, Bà Rịa – Vũng Tàu có tới 3 sân bay: sân bay Gò Găng, sân bay Cỏ Ống (huyện Côn Đảo) và sân bay Hồ Tràm (tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ). Có thể thấy, hiếm khi có một đô thị vệ tinh nào như BR-VT lại có tới 3 sân bay. Nhưng có một điều đó là không phải tự nhiên mà hàng không Bà Rịa – Vũng Tàu lại được đầu tư rất nhiều như vậy, bởi tiềm năng của Bà Rịa – Vũng Tàu thật sự vượt trội và cần được khai thác tối đa.

PHÀ CAO TỐC BÀ RỊA VŨNG TÀU – CẦN GIỜ – TP.HCM

Sau khi chính thức đưa vào hoạt động, tuyến phà nối TP.HCM với Vũng Tàu không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển so với nhiều loại hình giao thông khác, mà còn tăng sự lựa chọn trong việc đi lại cho cư dân. Bên cạnh đó, tuyến phà sẽ góp phần giảm tải tối đa áp lực giao thông trên các tuyến đường kết nối giữa TP.HCM và TP.Vũng Tàu, bởi hiện không chỉ các tuyến đường bộ mà ngay cả cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng liên tục quá tải, gây ùn tắc vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, Tết.

Tuyến phà cao tốc này sẽ chính thức vào hoạt động giữa tháng 10/2020. Chỉ với 50.000 đồng/lượt/ người. Tuyến phà này sẽ hoạt động trên cự ly khoảng 15 km và chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển giữa các tỉnh thành mà vốn mất đến 1,5 – 2h di chuyển bằng đường bộ, đáp ứng cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa.

VÀ NHIỀU DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM KHÁC

Ngoài ra, loạt siêu dự án cũng đang trong quá trình quy hoạch, góp phần hiện đại hóa bộ mặt hạ tầng giao thông liên vùng của tỉnh như đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Xuyên Á, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ – Vũng Tàu,… Với tốc độ phát triển hạ tầng đỉnh cao như vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu chắc chắn sẽ trở thành một điểm sáng nổi bật ngay tại thời điểm này và cả trong tương lai mà giới đầu tư không thể bỏ lỡ!

Tin cùng chuyên mục